Teen du học và 'tiền viện trợ'

Teen du học và 'tiền viện trợ'

(Zing) - "Mỗi lần về nước, em xấu hổ lắm, bởi vẫn phải nói dối mọi người rằng bố mẹ không mất  đồng nào cho mình hàng tháng. Bởi mẹ em không muốn mọi người biết là em du học tự túc..."

Khái niệm "tiền viện trợ"

Khi mà lượng du học sinh tự túc vẫn chiếm đa số, thì không khó có thể hình dung ra khái niệm "tiền viện trợ" tồn tại một cách… quan trọng như thế nào! Trước hết, tiền viện trợ là tiền được gửi từ nhà sang vào thời điểm không cố định, để chi trả tiền nhà, sinh hoạt phí, học phí và một tỉ thứ tiền lặt vặt của cuộc sống. Tiền thường sẽ được gửi qua thẻ.

Hoàng, một du học sinh của Raffles Design, Singapore giải thích: "Bố mẹ của em gửi tiền vào khoảng đầu mỗi tháng, vì đó cũng là lúc thu tiền nhà. Nhưng đôi lúc thì cũng phải gửi thêm vào giữa hay cuối tháng bởi một số việc… phát sinh". Tuy không nói rõ về các việc phát sinh nhưng cậu cho biết mỗi tháng cậu nhận được chừng hơn 1.000 đô la Singapore, trong đó thì khoảng hơn 300 là tiền nhà, còn lại là chi tiêu và ăn uống. Cũng có trường hợp, như Linh, một sinh viên khác của thì nhận "một cục" của bố mẹ mỗi khi ba tháng về nước, và tự xử lý để chi tiêu hợp lý trong ba tháng luôn. Nhưng cách này dễ đẩy teen du học vào tình trạng đuối như cá chuối vào cuối mỗi kỳ, khi đã lỡ tiêu hết tiền trong một hoặc hai tháng đầu!

Teen du học "hồi hộp" mỗi đầu tháng trước máy ATM

Dù muốn hay không thì hầu như đa phần những du học sinh đi dưới dạng tự túc không thể trả được những sinh hoạt phí đắt đỏ, kể cả có đi làm. Theo những thống kê cá nhân thì chỉ có khoảng 30% số du học sinh có làm thêm, phần còn lại hoặc không muốn làm, hoặc bố mẹ không cho làm vì sợ "ảnh hưởng đến thời gian học tập". Và vì thế, vẫn có một lượng lớn teen Việt du học đang ngửa tay xin tiền phụ huynh mỗi tháng.

Teen nhận viện trợ lên tiếng

"Mỗi lần về nước là em vô cùng xấu hổ, bởi vẫn phải nói dối với mọi người rằng bố mẹ không mất  đồng nào cho em hàng tháng. Bởi mẹ em không muốn mọi người biết là em du học tự túc. Nhiều lúc cũng thấy buồn cười, tự túc thì có gì xấu chứ. Trường em là trường tốt, tuy thế có vô cùng ít suất học bổng cho sinh viên nước ngoài thì biết làm sao?" – Sơn, một teen đang học tại đại học Miyazaki tâm sự.

Quả thật để kiếm được học bổng thì không phải là quá khó khăn với những teen học vào loại ok. Nhưng để kiếm được học bổng đúng nước, đúng khu vực, đúng trường và đúng ngành nghề thì không phải là đơn giản. Đôi khi chỉ đơn giản là thế này: "Vấn đề này thì mình không dám nói quá nhưng phải xem lại từ trên xuống dưới chứ không phải từ dưới lên trên. Hầu như tất cả những suất học bổng ngon đều đã rơi vào tay một số bạn có quen biết, chẳng bao giờ bọn mình chen nổi vào vòng gửi xe nộp hồ sơ. Mà mình thì không đủ khả năng tự kiếm học bổng trên mạng, vì đa phần là yêu cầu phỏng vấn tại đất nước của họ. Bay một chuyến sang sau đó phỏng vấn nhỡ trượt lại bay về?" – Vinh, một teen ở Việt Nam cho biết.

Việc chi trả cho những sinh hoạt phí đắt đỏ thường nằm ngoài khả năng của teen (ảnh minh họa)

Quả thật không nhiều du học sinh thích thú với việc ngửa tay xin tiền bố mẹ, nhưng các bạn không có nhiều lựa chọn bởi cuộc sống du học chi phí vô cùng đắt đỏ mà tiền làm thêm thì không đáng kể là bao và thêm nữa là trường cũng hạn chế thời gian làm part time của sinh viên.  Cũng không phải không có trường hợp như Dũng Bin, sinh viên của S.I.M Singapore, thẳng thắn: "Các cụ chu cấp tội gì không xài, rồi con mình nó cũng xài tiền của mình mà!"

Và những trường hợp cá biệt

Không phải teen du học tự túc nào cũng há mồm chờ viện trợ mỗi tháng, có một số teen nằm ngoài số đó. Ở đây có thể chia làm hai trường hợp.

Thứ nhất là những teen không nhận tiền mỗi tháng mà dùng thẻ ngân hàng thông với phụ huynh. Đây thường là những teen ngoan, được bố mẹ tin tưởng, hoặc là nhà vô cùng khủng – không quan tâm là teen tiêu bao nhiêu, hoặc cả hai! Linh, một teen du học tại Uk từng dùng thẻ thông như thế, và trong một lần mua đồ trên mạng sơ suất, bạn đã để mất password của thẻ mà không hề biết. Và đến cuối tháng check ra thì  mất đến 17.000 USD do thẻ của bố Linh cho phép rút gần như…vô giới hạn! Sau vụ đó thì Linh cũng bị chuyển về dạng "chờ tiền mỗi đầu tháng" luôn!

Trường hợp thứ hai, vẫn là những dạng part-time. Nhưng phải là một dạng công việc có lương cao và ổn định, hoặc là chui vào làm part-time được một số chỗ đặc biệt có trả % ngoài lương chính. Minh, một teen học tại Ngee Ann – Singapore, đang làm part-time cho một công ty có liên kết với ngân hàng như thế. "Công việc chính của em là trả lời điện thoại, và tư vấn cho khách hàng về mọi  vấn đề liên quan đến tiền và ngân hàng, dạng công việc này được gọi là telemarker. Do có học về ngân hàng tại trường, nên điều này không khó với em lắm..." Mỗi lần khách hàng chấp nhận gửi tiền tiết kiệm của họ, thì cậu lại được một khoản phần trăm nhất định. Hoặc những công việc như làm trong các khách sạn lớn, hoặc chụp ảnh quảng cáo cho xe...

Được học và sống trong một môi trường và điều kiện tốt, liệu teen có biết cách tự tìm giải pháp tài chính cho chính mình?

Du học là một mảng muôn màu muôn vẻ của teen Việt, và tiền là một vấn đề chính trong số đó. Hy vọng teen sẽ ngày càng có ý thức sử dụng những đồng tiền được bố mẹ cung cấp trong thời gian du học, bởi tự lập chỉ có ý nghĩa khi các bạn biết quản lý chính mình trong khuôn khổ!

Lê Minh

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "Teen du học và 'tiền viện trợ'"

Đăng nhận xét